Cả tập thể công ty đồng tâm… vi phạm pháp luật! Theo kết luận của Thanh tra TP.HCM trong nhiều năm qua, tại Công ty Công nghiệp cơ khí Sài Gòn (tên giao dịch viết tắt là SIMC) xảy ra nhiều sai phạm có tính nghiêm trọng. Theo đó, trong nhiều năm qua, dưới sự quản lý điều hành của ông Nguyễn Việt Hùng – nguyên giám đốc công ty đã đưa công ty đến tình trạng hoạt động kinh doanh không hiệu quả, làm mất vốn nhà nước một cách nghiêm trọng và đi đến phá sản. Số lỗ luỹ kế, tính đến 30/6/2005 theo kết quả kiểm toán là hơn 37,3 tỷ đồng, tính đến 31/12/2005 theo xác định của kế toán trưởng công ty là gần 68,8 tỷ đồng. Trong hàng loạt sai phạm, “nổi lên các dấu hiệu của hành vi tham nhũng có tính chất đặc biệt nghiêm trọng” ở 9 nội dung. Thứ nhất, toàn bộ hệ thống sổ sách, chứng từ kế toán được ghi chép không trung thực, vi phạm nghiêm trọng Luật Kế toán. Thứ hai, báo cáo tài chính không trung thực trong 10 năm, gây thiệt hại vốn nhà nước một cách nghiêm trọng. Thứ ba, chi sai quy định lương, thưởng lễ, Tết cho CBCNV gần 6,7 tỷ đồng; trong đó công ty nhập khống thiết bị để rút 276 triệu đồng chi Tết 2000, 2001. Thứ tư, thanh toán bằng ngoại tệ đồng USD không đúng quy định trong việc mua máy móc, thiết bị phụ tùng thay thế trị giá 121.000USD (tương đương 1,89 tỷ đồng). Thứ năm, sử dụng tổng cộng 2.503 hoá đơn Giá trị gia tăng khống từ năm 2000 đến 2004, gồm 529 hoá đơn đầu vào trị giá 59,9 tỷ đồng và 1.974 hoá đơn đầu ra trị giá 74,9 tỷ đồng, trong đó đáng chú ý có đến 1.875 hoá đơn đỏ bị huỷ trị giá gần 55,9 tỷ đồng (theo cơ quan thanh tra, việc làm này tạo nhiều khuất tất, tiêu cực nhưng không thể xác định được mức độ sai phạm vì số tiền chênh lệch đã được kế toán trưởng cấn trừ giữa hoá đơn đầu vào với đầu ra). Thứ sáu, nhập, xuất thu chi khống đối với máy mài răng trị giá 1,96 tỷ đồng. Thứ bảy, mua sắm máy móc thiết bị không phù hợp với quy mô sản xuất, sau đó phải bán thanh lý gây thiệt hại cho nhà nước xấp xỉ 4 tỷ đồng. Thứ tám, dùng nhiều tài sản (9 nhà xưởng) thế chấp vay vốn ngân hàng hàng chục tỷ đồng không đúng mục đích gây lỗ, không có khả năng chi trả (tính đến 31/12/2005 công ty còn nợ các khoản vay ngân hàng hơn 29 tỷ đồng); đồng thời lại lấy tài sản thế chấp (nhà số 33/5 Âu Cơ, quận Tân Bình) đem bán để trả nợ. Thứ chín, không phản ánh đúng bản chất sự việc, nội dung và giá trị nghiệp vụ kinh tế tài chính trong việc thu và trả lãi vốn huy động cá nhân, để ngoài sổ sách 231 triệu đồng… Theo Thanh tra TP, “tất cả những sai phạm trên đã được hình thành một cách cố ý, có tổ chức, có hệ thống với nhiều thủ đoạn gian dối, tinh vi, thật giả lẫn lộn kéo dài trong nhiều năm, mang nhiều khuất tất, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng…”. Trách nhiệm trước hết thuộc về Ban giám đốc công ty, trong đó trực tiếp là ông Nguyễn Việt Hùng – nguyên giám đốc và bà Phạm Thị Lệ Hoàng – nguyên kế toán trưởng. Trách nhiệm liên đới thuộc về ông Lư Minh Hoàng, bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng - trưởng và phó Phòng Kinh tế - phát triển sản xuất, bà Phạm Thị Thu Cúc – thủ quỹ, ông Nguyễn Văn Thành – quyền trưởng phòng Tổ chức – hành chính và các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan. Trên cơ sở đó, Thanh tra TP đã có văn bản kiến nghị Chủ tịch UBND TP xem xét chuyển sớm hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra làm rõ để khởi tố hình sự. Còn bỏ lọt “tội phạm”? Thông tin mới nhất cho biết, ông Nguyễn Việt Hùng, nguyên Giám đốc Công ty Công nghiệp cơ khí Sài Gòn vừa có đơn khiếu nại và kiến nghị gởi cơ quan chức năng về kết luận của Thanh tra TP.HCM (tháng 1/2007). Trong đơn, ông Hùng thừa nhận: “Để che giấu lỗ, tập thể cán bộ lãnh đạo công ty đã thống nhất thực hiện kê khai khống doanh thu gồm các khách hàng ảo không có thật (là tên các cá nhân không có mã số thuế, không có địa chỉ cụ thể)…”; việc chi lương, thưởng, lễ Tết cho CBCNV cũng như đầu tư mua sắm và nhượng bán tài sản cố định của doanh nghiệp cũng có sự “thống nhất kê khai khống của cả tập thể”. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng còn nhiều vấn đề mà đoàn thanh tra chưa làm rõ. “Tôi nhận trách nhiệm về quản lý lỏng lẻo của mình để cho công ty đến ngày hôm nay phá sản. Tuy nhiên, là một giám đốc, không thể cái gì tôi cũng biết và cũng làm được nếu không có các phòng ban, các cá nhân lãnh đạo tham mưu, đề xuất”. Theo ông, những sai phạm trong việc kê khai và chi khống nói trên “đều có ý kiến đề xuất hoặc trình duyệt từ các phòng nghiệp vụ liên quan…”. “Cụ thể là ông Nguyễn Văn Chung – Phó Giám đốc công ty, đã ký nhiều chứng từ khống gồm các bảng kê mua hàng, ký xuất hoá đơn giá trị gia tăng khống cho Công ty Xi măng Hà Tiên 1, kể cả việc kỳ biên bản kiểm kê tài sản khống. Người cùng thực hiện với ông Chung là ông Nguyễn Quốc Thanh Tùng – Phó Giám đốc Kỹ thuật. Ngoài ra, ông Chung, ông Tùng và ông Lư Hoàng Minh, bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng –nguyên trưởng và phó Phòng Kinh tế phát triển sản xuất có biểu hiện thông đồng che giấu cấp trên về trách nhiệm cá nhân. Tại sao những sự việc trên không được thể hiện trong kết luận thanh tra?”, ông Hùng đặt vấn đề. Ngoài ra, ông Hùng còn giải trình một số vấn đề về nguyên nhân khách quan dẫn đến phá sản công ty đồng thời cho rằng lãnh đạo Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (cơ quan chủ quản) và một số cơ quan chức năng có những bất minh quanh việc kéo dài quá trình lập thủ tục phá sản công ty và “cách chức, khai trừ Đảng đối với bản thân tôi một cách vội vàng trước khi có kết luận thanh tra, trong khi tôi là người chịu trách nhiệm chính?”… Cần điều tra để xử lý nghiêm? Trên cơ sở kết luận thanh tra, UBND TP.HCM đã có thông báo kết luận theo hướng giao công an TP tiến hành điều tra các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra tại Công ty Công ty Công nghiệp cơ khí Sài Gòn (CNCK) theo kết luận thanh tra để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật. UBND TP yêu cầu Giám đốc Sở Công nghiệp phải nghiêm khắc kiểm điểm trách nhiệm về công tác quản lý nhà nước đối với Công ty CNCK ; Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn phải kiểm điểm và xử lý trách nhiệm các cá nhân sai phạm; Chi cục Tài chính doanh nghiệp nghiêm khắc kiểm điểm trách nhiệm quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp và quản lý vốn, tài sản thuộc sở hữu nhà nước tại Công ty CNCK. UBND TP cũng giao Cục Thuế TP kiểm điểm trách nhiệm công tác kiểm tra, quyết toán thuế hàng năm tại Công ty CNCK; xem xét, loại trừ thuế VAT đầu vào đối với giá trị tài sản cố định giảm trên 3,5 tỷ đồng theo nội dung kết luận thanh tra khi quyết toán thuế của Công ty CNCK; xử lý theo thẩm quyền đối với sai phạm của Công ty TNHH Lâm Viên trong việc mua bán hoá đơn khống trị giá hàng tỷ đồng với Công ty CNCK. Ngoài ra, giám đốc các cơ quan: Sở Tài chính, Ngân hàng Công thương Việt Nam – chi nhánh 1, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam – chi nhánh TP.HCM cũng phải kiểm điểm trách nhiệm về quản lý, kiểm tra việc sử dụng vốn cho vay tại Công ty CNCK theo nội dung kết luận thanh tra. Sở Nội vụ chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ theo dõi kết quả kiểm điểm, xử lý cán bộ có liên quan của các đơn vị theo đúng quy định pháp luật, báo cáo kết quả lên UBND TP.